Ăn phải sán lợn bao lâu sẽ nhiễm bệnh?
Tôi vừa ăn thịt lợn tối qua, khi ăn xong mấy miếng tôi phát hiện trong thịt lợn có nhiều hạt màu trắng, và vì thịt xào tái nên tôi lo lắng mình nhiễm sán giun. Tôi muốn hỏi Bác sĩ chuyên về bệnh giun sán ký sinh trùng, vậy bây giờ tôi đi làm xét nghiệm có biết được là tôi có bị nhiễm sán hay không thưa bác sĩ?
Trả lời: Khi ăn phải ấu trùng sán lợn gạo thì chỉ sau 10 đến 15 ngày, làm xét nghiệm máu bằng phương pháp ELISA là chúng ta có thể biết được có dương tính với sán hay không.
Đường đi của sán lợn
Ấu trùng sán lợn là loại ấu trùng của sán dây lợn Taenia solium. Sán trưởng thành sống ký sinh ở ruột người, sán trường thành dài từ 4 đến 12m gồm 900 đốt, chia làm 3 phần. Vật chủ trung gian của ấu trùng này là lợn và thường trú ngụ ở não và cơ của lợn hay còn gọi lợn gạo. Vì thế, nếu ăn phải thịt lợn gạo chưa chín kỹ có thể sẽ bị mắc bệnh này.
Bệnh ấu trùng sán lợn ở người là do ăn phải trứng sán dây lợn dưới dạng lợn gạo. Ấu trùng sán dây lợn hình bầu dục, màu trắng đục chứa dịch trắng đục nhìn giống hạt gạo, đầu sán có 4 giác bám và 2 vòng móc, ấu trùng sán lợn ký sinh trên lợn có kích thước 0,3 mm, sau gây nhiễm 6 ngày kích thước phát triển lên đến 6-9mm, sau gây nhiễm 60 -70 ngày và phát triển lên đến 8 - 15mm sau 6 tháng đến 1 năm nhiễm. Nang ấu trùng sán lợn ký sinh trên người dài hơn ở lợn, nang sán thường tập trung thành chùm như chùm nho, kích thước lên đến 10 - 20 cm và chứa tới 60ml dịch. Nang ấu trùng sán dây lợn ký sinh dưới màng nhện của não có kích thước 10 - 15 cm. Một vật chủ có thể nhiễm đến hàng trăm ấu trùng cùng lúc.
Sau khi nuốt phải trứng sán dây lợn, trứng sẽ vào dạ dày và ruột, sau đó trứng nở ra ấu trùng, ấu trùng chui xuyên qua thành ống tiêu hóa vào máu và di chuyển đến sống ký sinh ở các cơ quan như cơ vân, ở mắt, ở não. Những người bị bệnh do nuốt phải trứng sán dây lợn từ môi trường bên ngoài thường có ít nang sán trừ trường hợp ăn phải cả đốt sán. Những bệnh nhân có sán dây lợn trong ruột, khi đốt sán già và rụng do nhu phản nhu động ruột mà đốt sán đẩy ngược lên dạ dày và lúc này giống như là người đó ăn phải trứng sán dây lợn với số lượng vô cùng lớn nên số nang ở người có rất nhiều, có người nhiều đến mức không đếm nổi.
Phòng bệnh ấu trùng và sán dây lợn
Để chủ động phòng bệnh sán dây lợn và ấu trùng của nó, Bộ Y tế khuyến cáo người dân:
- Không ăn các thực phẩm tái sống như thịt lợn, nem chua, thị bò tái (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống không được rửa sạch (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán dây lợn).
- Không phóng uế bừa bãi, nhất là ở những vùng có người bị nhiễm sán dây lợn trưởng thành trong ruột. Sử dụng nhà cầu hợp vệ sinh, không nuôi lợn thả rông.
- Người có sán trưởng thành trong ruột cần phải được điều trị, đi tiêu hợp vệ sinh.
- Quản lý chặt chẽ tiêu chuẩn về vệ sinh các lò mổ thịt lợn.
Ds. Cao Chí Công