Xét nghiệm CRP (Creactive Protein)
[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Xét nghiệm định lượng nồng độ CRP trong huyết tương hoặc huyết thanh để xác định tình trạng viêm và theo dõi đáp ứng điều trị trong bệnh nhiễm trùng.
CRP là xét nghiệm gì?
CRP là một chất phản ứng ở giai đoạn cấp tính, một loại protein được gan sản xuất ra và phóng thích vào máu trong vòng vài giờ sau khi mô bị tổn thương, do bị nhiễm trùng, hoặc nguyên nhân khác gây ra viêm. Nồng độ CRP tăng đáng kể khi có chấn thương, cơn đau tim, các rối loạn tự miễn dịch, và gây ra các nhiễm trùng nặng do vi khuẩn như nhiễm trùng huyết. Nồng độ CRP có thể tăng trên một ngàn lần đế đáp ứng với tình trạng viêm, và sự gia tăng CRP có thể trước cơn đau, sốt, hoặc chỉ dấu lâm sáng khác. Thử nghiệm đo lượng CRP trong máu có giá trị trong việc phát hiện viêm nhiễm cấp tính hoặc theo dõi diễn tiến trong các bệnh mạn tính.
Xét nghiệm CRP không dùng để chẩn đoán, nhưng nó cung cấp thông tin về sự hiện diện của viêm nhiễm. Các thông tin này kết hợp với các yếu tố khác, chẳng hạn như các dấu hiệu, triệu chứng khám lâm sàng và các xét nghiệm khác để xác định được bệnh nhân có một tình trạng viêm cấp tính hoặc đang trải qua một đợt bùng phát bệnh viêm mãn tính. Do đó, nó có thể kết hợp thêm cùng với các xét nghiệm khác để chẩn đoán và theo dõi điều trị.
Xét nghiệm CRP được chỉ định trong trường hợp nào?
Xét nghiệm CRP có thể được chỉ định khi nghi ngờ có nhiễm trùng nghiêm trọng do vi khuẩn dựa trên tiền sử y tế và các dấu hiệu, triệu chứng khám lâm sàng khác. CRP có thể được bác sĩ chỉ định khi một trẻ sơ sinh có dấu hiệu cho thấy có dấu hiệu bị nhiễm trùng hoặc khi một bệnh nhân có các triệu chứng của nhiễm trùng huyết, chẳng hạn như sốt, ớn lạnh, hơi thở gấp và nhịp tim nhanh.
CRP cũng có thể được chỉ định một cách thường xuyên để bác sĩ theo dõi các bệnh viêm khớp dạng thấp và bệnh lupus, CRP cũng thường được thử nghiệm lặp đi lặp lại trong khoảng thời gian đề xác định sự hiệu quả của điều trị. Điều này rất hữu ích cho việc đánh giá tình trạng viêm nhiễm, khi mức CRP giảm thì tình trạng viêm nhiễm cũng giảm.
Chỉ số CRP tăng cao trong những trường hợp bệnh lí nào?
Nếu chỉ số CRP trong máu tăng cao trên 10mg/l thì đây là hậu quả của một sự nhiễm trùng nào đó hay là một bệnh lý nào khác, chỉ số này không có ích lợi gì trong việc đánh giá nguy cơ tim mạch mà chỉ để phòng bệnh và bổ sung chẩn đoán. Trong những trường hợp đó, nên làm xét nghiệm lại sau 2 tuần hoặc sau khi đã hết tình trạng nhiễm trùng để đánh giá lại nguy cơ tim mạch của bệnh nhân.
Trong kết quả định lượng CRP, chỉ số CRP tăng cao thì cần nghĩ ngay đến một số các phản ứng viêm cấp như: viêm tụy cấp, CRP ≥ 150 mg/L là viêm tụy cấp nặng, viêm ruột thừa; nhiễm trùng do vi khuẩn; bị bỏng; viêm khớp dạng thấp; nhồi máu cơ tim; tăng nguy cơ ung thư đại tràng. Nồng độ CRP cũng có thể tăng lên trong giai đoạn cuối của thai kỳ, sử dụng thuốc tránh thai hoặc liệu pháp hormoon thay thế (ví dụ: estrogen). Nồng độ của CRP cao hơn cũng đã được quan sát thấy ở những người bị bệnh béo phì.
Ý nghĩa
Nồng độ CRP trong máu cao chứng tỏ cơ thể đang có nhiễm trùng nhưng không thể xác định được vị trí cũng như nguyên nhân gây ra viêm. Nồng độ CRP cao thường là nhiễm trùng do vi khuẩn. Nếu nồng độ CRP cao trong viêm mạn tính chứng tỏ điều trị không hiệu quả. Nếu CRP giảm chứng tỏ đáp ứng điều trị.
Thử nghiệm tốc độ máu lắng hồng cầu (ESR) cũng sẽ tăng lên trong giai đoạn viêm nhiễm. Tuy nhiên, CRP tăng sớm hơn và sau đó giảm nhanh hơn so với thử nghiệm ESR.
KTV. KHƯƠNG VY